SINH HỌC 8- TUẦN 25. TIẾT 50. BÀI 49: CƠ QUAN PHÂN TÍCH THỊ GIÁC-BÀI 50: VỆ SINH MẮT

TUẦN 25. TIẾT 50. BÀI 49: CƠ QUAN PHÂN TÍCH THỊ GIÁC
I. CƠ QUAN PHÂN TÍCH
– Cơ quan phân tích gồm 3 bộ phận:
+ Cơ quan thụ cảm
+ Dây thần kinh (dẫn truyền hướng tâm)
+ Bộ phận phân tích ở trung ương.
Sự tổn thương 1 trong 3 bộ phận thuộc 1 cơ quan phân tích nào đó sẽ làm mất cảm giác với các kích thích tương ứng.
– Ý nghĩa: giúp cơ thể nhận biết được tác động của môi trường.
II. CƠ QUAN PHÂN TÍCH THỊ GIÁC
– Cơ quan phân tích thị giác gồm:
+ Các tế bào thụ cảm thị giác (trong màng lưới của cầu mắt)
+ Dây thần kinh thị giác (dây số II)
+ Vùng thị giác ở thùy chẩm.
1. Cấu tạo của cầu mắt: gồm
– Màng bọc
+ Màng cứng: ở ngoài cùng, cứng và dày bảo vệ mắt; phía trước là màng giác trong suốt để ánh sáng đi qua vào cầu mắt.
+ Màng mạch: ở giữa có nhiều mạch máu để nuôi dưỡng cầu mắt và các tế bào sắc tố đen tạo thành 1 phòng tối trong cầu mắt; phía trước là lòng đen, ở giữa lòng đen có 1 lỗ đồng tử (con ngươi) để ánh sáng đi vào cầu mắt.
+ Màng lưới trong cùng chứa các tế bào thụ cảm thị giác (các tế bào nón và tế bào que)
– Môi trường trong suốt: thủy dịch, thể thủy tinh (cứng, đàn hồi, 2 mặt lồi điều tiết được), dịch thủy tinh.
(2. Cấu tạo của màng lưới; 3. Sự tạo ảnh ở màng lưới – HS tự đọc)
TIẾT 50. BÀI 50: VỆ SINH MẮT
I. CÁC TẬT VỀ MẮT
1. Cận thị: – Là tật mà mắt chỉ có khả năng nhìn gần.
– Nguyên nhân:
+ Bẩm sinh: cầu mắt dài.
+ Thể thủy tinh quá phồng: do không giữ vệ sinh khi đọc sách.
– Cách khắc phục: đeo kính mặt lõm (kính phân kì hay kính cận )
– Cách phòng tránh: giữ vệ sinh khi đọc sách (giữ đúng khoảng cách 25cm), không đọc sách nơi thiếu ánh sáng hoặc lúc đi trên tàu xe bị xóc nhiều.
2. Viễn thị: – Là tật mà mắt chỉ có khả năng nhìn xa.
– Nguyên nhân:
+ Bẩm sinh: cầu mắt ngắn.
+ Thể thủy tinh bị lão hóa (xẹp).
– Cách khắc phục: đeo kính mặt lồi (kính hội tụ hay kính viễn).
II. BỆNH VỀ MẮT
* Các bệnh về mắt: bệnh đau mắt hột, đau mắt đỏ, viêm kết mạc, khô mắt,…
* Bệnh đau mắt hột:
– Biểu hiện: mặt trong mi mắt có nhiều hột nổi cộm lên; khi hột vỡ làm thành sẹo, co kéo lớp trong mi mắt làm cho lông mi quặp vào trong, cọ xát làm đục màng giác dẫn tới mù lòa.
– Nguyên nhân: do virut gây nên.
– Cách phòng tránh:
+ Giữ vệ sinh mắt.
+ Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
* Cách phòng tránh các bệnh về mắt:
– Giữ vệ sinh cá nhân về mắt: sử dụng khăn riêng và nước sạch để rửa mặt; rửa mắt bằng nước muối loãng; nhỏ thuốc mắt.
– Ăn uống đủ vitamin (A)
– Khi đi đường nên đeo kính.
– Giữ vệ sinh nguồn nước.
– Tuyên truyền vận động mọi người thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch về mắt.